Không nhận diện được thuê bao, vui lòng đăng nhập hoặc truy cập bằng 3G của Vinaphone
Tạo động lực bứt phá cho giáo dục Thủ đô Hà Nội

 Mức thu học phí đối với các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập trên địa bàn thành phố Hà Nội sẽ giảm từ năm học 2023-2024; hàng nghìn biên chế sự nghiệp giáo dục của Thủ đô được bổ sung... Đây là những nền tảng, động lực để giáo dục Thủ đô Hà Nội bứt phá.

Như Tạp chí Người Hà Nội đã đưa tin, ngày 29/3/2024, HĐND Thành phố Hà Nội tổ chức kỳ họp thứ 15 (kỳ họp chuyên đề) nhằm quyết định một số nội dung thuộc thẩm quyền. Tại kỳ họp này, nhiều nội dung đã được các đại biểu HĐND thành phố Hà Nội thông qua, nổi bật là các Nghị quyết về giáo dục và đào tạo để tạo động lực, tạo đà phát triển giáo dục Thủ đô lên tầm cao mới.

giao-duc-hdnd.jpg
Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Trần Thế Cương báo cáo tờ trình tại kỳ họp thứ 15 HĐND Thành phố.

Cụ thể, HĐND Thành phố Hà Nội đã thông qua Nghị quyết quy định mức thu học phí đối với các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập trên địa bàn Thành phố Hà Nội từ năm học 2023-2024. Nghị quyết áp dụng với các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập, cơ sở giáo dục thường xuyên công lập, cơ sở đào tạo khác thực hiện chương trình giáo dục phổ thông chưa tự bảo đảm chi thường xuyên (không bao gồm cơ sở giáo dục công lập chất lượng cao) trên địa bàn TP Hà Nội và trẻ em mầm non, học sinh phổ thông đang theo học tại các cơ sở giáo dục này.

Mức thu học phí đối với hình thức học trực tiếp gồm: Cấp học nhà trẻ, mẫu giáo, THPT, giáo dục thường xuyên cấp THPT sẽ thu 217.000 đồng/học sinh/tháng với địa bàn thành thị, 95.000 đồng/học sinh/tháng với địa bàn nông thôn (trừ miền núi), 24.000 đồng/học sinh/tháng với địa bàn miền núi.

Đối với cấp học trẻ mầm non 5 tuổi, tiểu học, THCS, giáo dục thường xuyên, ở cấp THCS thu 155.000 đồng/học sinh/tháng đối với địa bàn thành thị, 75.000 đồng/học sinh/tháng đối với địa bàn nông thôn, 19.000 đồng/học sinh/tháng đối với địa bàn miền núi. Bên cạnh đó, Nghị quyết cũng quy định mức thu học phí đối với hình thức trực tuyến (online) bằng 75% mức thu học phí theo hình thức trực tiếp nêu trên. Như vậy, các mức thu học phí nêu trên bằng với mức thu học phí của năm học 2021-2022, quy định tại Nghị quyết số 05/2021/NQ-HĐND.

Nghị quyết quy định mức thu học phí đối với các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập trên địa bàn Thành phố Hà Nội từ năm học 2023 - 2024 được HĐND Thành phố thông qua sẽ thay thế Nghị quyết số 03/2023/NQ-HĐND. Tổng số thu học phí theo mức thu đề xuất dự kiến giảm khoảng 1.279.155 triệu đồng so với tổng số thu theo mức thu quy định tại Nghị quyết số 03/2023/NQ-HĐND. Để đảm bảo kinh phí hoạt động cho các cơ sở giáo dục khi thực hiện điều chỉnh mức thu học phí, ngân sách Nhà nước sẽ đảm bảo tương ứng khoảng 1.279.155 triệu đồng.

giao-duc-hdnd-1.jpg
Học sinh Trường THCS Ngô Sĩ Liên (quận Hoàn Kiếm) giới thiệu với lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội về việc kết hợp trí tuệ nhân tạo AI vào sáng chế robot trong ngày hội Công nghệ thông tin và STEM 2024.

Cũng tại kỳ họp chuyên đề thứ 15, HĐND Thành phố Hà Nội đã thông qua Nghị quyết Quy định danh mục các khoản thu và mức thu, cơ chế quản lý thu chi đối với các dịch vụ hỗ trợ hoạt động giáo dục, đào tạo tại cơ sở giáo dục Mầm non, giáo dục Phổ thông công lập (không bao gồm các cơ sở giáo dục công lập chất lượng cao) của thành phố Hà Nội.

Nghị quyết này sẽ áp dụng với các đối tượng gồm: Trẻ em mầm non và học sinh phổ thông đang theo học tại các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập; học viên đang theo học tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, giáo dục thường xuyên theo chương trình giáo dục phổ thông của thành phố Hà Nội; các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập; cơ sở giáo dục nghề nghiệp, giáo dục thường xuyên của thành phố Hà Nội.

Theo đó, nghị quyết nêu rõ, căn cứ mức trần (mức cao nhất) tại Nghị quyết này, các cơ sở giáo dục xây dựng dự toán chi phí để xác định mức thu cụ thể, phải được thỏa thuận bằng văn bản với cha mẹ học sinh trên tinh thần tự nguyện, có sự thống nhất của Ban Giám hiệu nhà trường và cơ quan quản lý cấp trên (UBND quận, huyện, thị xã hoặc Sở Giáo dục và Đào tạo theo phân cấp quản lý) trước khi ban hành, bảo đảm không vượt mức trần quy định.

giao-duc-hdnd-2.jpg
Quang cảnh Kỳ họp thứ 15 (kỳ họp chuyên đề) của HĐND Thành phố Hà Nội.

Chiều ngày 29/3/2024, kỳ họp thứ 15 của HĐND Thành phố Hà Nội đã bế mạc. Sau một ngày làm việc với tinh thần khẩn trương, tập trung, nghiêm túc, dân chủ và hiệu quả, kỳ họp chuyên đề - kỳ họp thứ 15 của HĐND Thành phố đã hoàn thành toàn bộ nội dung, chương trình đề ra và thành công tốt đẹp. Các đại biểu đã tập trung nghiên cứu, thảo luận và biểu quyết thông qua với tỷ lệ thống nhất cao 18 Nghị quyết để kịp thời quyết định các nội dung, cơ chế, chính sách, giải pháp quan trọng đảm bảo an sinh xã hội và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố.

Các cơ sở giáo dục có trách nhiệm tổ chức thu các khoản dịch vụ hỗ trợ hoạt động giáo dục để quản lý, sử dụng theo quy định; trả chứng từ thu tiền cho người học theo chế độ quy định; có chế độ miễn, giảm phù hợp đối với học sinh thuộc diện chính sách hoặc có hoàn cảnh khó khăn.

Ngoài ra, HĐND Thành phố Hà Nội cũng đã thông qua Nghị quyết bổ sung biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố năm học 2023-2024. Theo Nghị quyết, HĐND thành phố giao bổ sung 2.648 biên chế viên chức giáo dục từ năm học 2023 - 2024 cho Sở Giáo dục và Đào tạo, UBND quận, huyện, thị xã. Trong đó, biên chế viên chức các trường trung học phổ thông là 447 chỉ tiêu; các trường trung học cơ sở là 1.033; các trường tiểu học là 977; các trường mầm non là 191. Biên chế được giao bổ sung thực hiện từ tháng 1/2024./.