Sở hữu di sản văn hóa và quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ liên quan của tổ chức, cá nhân... là một trong những nội dung đáng chú ý trong Dự thảo Luật Di sản Văn hóa (sửa đổi). Đáng kể, Dự thảo Luật đã quy định cụ thể các hình thức sở hữu di sản văn hóa, gồm: sở hữu toàn dân; sở hữu chung, sở hữu riêng theo quy định của theo các luật khác liên quan.
Luật Di sản văn hóa hiện hành công nhận 5 hình thức sở hữu di sản văn hóa, gồm: Sở hữu nhà nước; sở hữu tập thể; sở hữu chung của cộng đồng; sở hữu tư nhân và các hình thức sở hữu khác về di sản văn hóa. Luật cũng quy định quyền và nghĩa vụ đối với chủ sở hữu di sản văn hóa. Trong dự thảo Luật Di sản Văn hóa (sửa đổi) đã quy định các hình thức sở hữu di sản văn hóa: sở hữu toàn dân; sở hữu chung, sở hữu riêng. Như vậy, dự thảo Luật đã chuyển từ quy định “sở hữu nhà nước” thành “sở hữu toàn dân” (Điều 4).
Một số ý kiến cho rằng việc quy định sở hữu di sản văn hóa trong Dự thảo Luật Di sản Văn hóa (sửa đổi) cần quy định rõ hình thức sở hữu riêng, sở hữu chung về di sản văn hóa và quy định cụ thể thẩm quyền, tiêu chí xác định các hình thức sở hữu đối với di sản văn hóa. Đồng thời quy định nguyên tắc quản lý, bảo vệ, phát huy di sản văn hóa; quy định cụ thể về giải quyết tranh chấp quyền sở hữu đối với di sản văn hóa phát sinh giữa cá nhân, tổ chức nhằm bảo đảm quyền, lợi ích chính đáng của cộng đồng, người dân đối với di sản văn hóa.
Trả lời cho ý kiến trên, cơ quan chủ trì soạn thảo Dự thảo Luật, cho biết, Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch đã tiếp thu và điều chỉnh tại dự thảo Luật (sửa đổi), theo đó xác định di sản văn hóa thuộc từng loại hình sở hữu được xác lập quyền sở hữu, cụ thể là: “mọi di sản văn hóa ở trong lòng đất thuộc đất liền, hải đảo, ở vùng nội thủy, lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đều thuộc sở hữu toàn dân” và “Di sản văn hóa phát hiện được mà không xác định được chủ sở hữu, thu được trong quá trình thăm dò, khai quật khảo cổ đều thuộc sở hữu toàn dân”.
Đồng thời, Bộ VH-TT&DL đã điểu chỉnh, quy định quyền sở hữu đối với di sản văn hóa được xác định đăng ký và giải quyết tranh chấp thực hiện theo quy định của pháp luật về di sản, đất đai, quản lý sử dụng tài sản công, sở hữu trí tuệ, hình sự và các quy định khác của pháp luật có liên quan tại trong dự thảo Luật (sửa đổi).
“
Dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) qua tiếp thu, chỉnh lý gồm 9 chương, 100 điều. Theo chương trình làm việc tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV sẽ thông qua Dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi).
Trong dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi), về nội dung sở hữu di sản văn hóa , dự thảo Luật còn quy định Nhà nước đại diện chủ sở hữu di sản văn hóa thuộc sở hữu toàn dân; công nhận và bảo vệ các hình thức sở hữu khác bao gồm sở hữu chung, sở hữu riêng về di sản văn hóa theo quy định của Hiến pháp, Luật Di sản văn hóa và pháp luật liên quan về sở hữu. Bên cạnh đó, di sản văn hóa thuộc sở hữu toàn dân bao gồm hiện vật thuộc Bảo tàng công lập; các di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh; di sản tư liệu thuộc các cơ quan, tổ chức, đơn vị công lập; di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia và di sản tư liệu không thuộc sở hữu chung hoặc sở hữu riêng.
Song song đó, Dự thảo Luật quy định cụ thể về quyền và trách nhiệm của cộng đồng, cá nhân sở hữu di sản văn hóa, đó là: được thụ hưởng lợi ích từ việc bảo vệ và phát huy giá trị của di sản văn hóa; được cơ quan nhà nước có thẩm quyền về văn hóa hỗ trợ và phối hợp nhận diện giá trị và quy trình thủ tục đưa vào Danh mục Kiểm kê; được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền về văn hóa hỗ trợ và phối hợp về nghiệp vụ lưu giữ, bảo quản, tư liệu hoá, tạo điều kiện bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hoá theo thoả thuận.
Cộng đồng, cá nhân sở hữu di sản văn hóa cũng được gửi, trao tặng tư liệu di sản văn hóa phi vật thể, di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia, di sản tư liệu vào bảo tàng hoặc cơ quan, tổ chức nhà nước có thẩm quyền, chức năng phù hợp trong trường hợp không đủ điều kiện và khả năng bảo vệ và phát huy giá trị. Thực hiện các biện pháp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa; thông báo kịp thời cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong trường hợp di sản văn hóa có nguy cơ bị làm sai lệch giá trị, bị hủy hoại, bị mất…
Ngoài ra, Dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) quy định quyền và nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cộng đồng và cá nhân quản lý trực tiếp di sản văn hóa, đó là được Nhà nước xem xét, hỗ trợ kinh phí bảo vệ, giữ gìn, tu bổ, phục hồi di sản văn hóa. Được khai thác, sử dụng di sản văn hóa trên cơ sở bảo đảm không ảnh hưởng yếu tố gốc cấu thành di tích, tính toàn vẹn các giá trị tự thân của di sản; tạo điều kiện thuận lợi cho cơ quan, tổ chức, cộng đồng và cá nhân tham quan, du lịch, nghiên cứu di sản văn hóa. Thực hiện các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn kịp thời các hành vi xâm hại di sản văn hóa, thông báo kịp thời cho chủ sở hữu hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền nơi gần nhất khi di sản văn hóa có biểu hiện sai lệch giá trị, có nguy cơ bị hủy hoại hoặc bị mất. Cơ quan, tổ chức, cộng đồng và cá nhân quản lý trực tiếp di sản văn hóa phải thực hiện các quyền và nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.
Có thể thấy, Dự thảo Luật Di sản Văn hóa (sửa đổi) với các quy định về quyền sở hữu di sản văn hóa và quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm đối với di sản văn hóa sẽ góp phần khuyến khích mọi nguồn lực xã hội, các tổ chức, cộng đồng và cá nhân tham gia công tác bảo vệ, khai thác, sử dụng và phát huy giá trị di sản văn hóa. Qua đó tạo nguồn lực, động lực xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc./.