Tại Dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi), có một điểm mới, đó là dự thảo Luật chia di sản văn hóa phi vật thể thành 6 loại hình và lĩnh vực, trong đó tách lễ hội truyền thống thành mục riêng.
Sở dĩ đây là điểm mới trong Dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) bởi theo Công ước 2003 của UNESCO phân loại di sản văn hóa phi vật thể thành 5 loại hình/lĩnh vực, bao gồm: Các truyền thống và biểu đạt truyền khẩu, trong đó ngôn ngữ là phương tiện của di sản văn hóa phi vật thể; nghệ thuật trình diễn; tập quán xã hội, tín ngưỡng và các lễ hội; tri thức và tập quán liên quan đến tự nhiên và vũ trụ; nghề thủ công truyền thống.
Tuy nhiên, trong dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) chia di sản văn hóa phi vật thể thành 6 loại hình/lĩnh vực, trong đó tách lễ hội truyền thống thành mục riêng. Cụ thể, Dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) nhấn mạnh, các di sản văn hóa phi vật thể được hình thành, trao truyền trong quá trình lịch sử sinh tồn và thích ứng của cộng đồng chủ thể với môi trường tự nhiên, xã hội, bao gồm các loại hình sau:
Các biểu đạt và truyền khẩu truyền thống gồm các hình thức thể hiện bằng ngôn ngữ, tiếng nói, chữ viết, ký tự để chuyển tải thông tin, kiến thức, nhận thức được truyền lại từ quá khứ; Nghệ thuật trình diễn dân gian gồm âm nhạc, múa, hát, sân khấu truyền thống và các hình thức trình diễn dân gian khác. Tập quán xã hội và tín ngưỡng gồm các thực hành thường xuyên, ổn định thể hiện quan niệm, niềm tin của cộng đồng, thông qua các lễ nghi gắn liền với phong tục, tập quán truyền thống để mang lại sự bình an về tinh thần cho cá nhân và cộng đồng.
Lễ hội truyền thống là sinh hoạt văn hóa cộng đồng được tổ chức theo nghi lễ truyền thống được chủ thể di sản cùng nhau thực hành theo chu kỳ tại không gian văn hóa liên quan, đáp ứng nhu cầu tinh thần của cộng đồng. Tri thức dân gian bao gồm tri thức về tự nhiên và xã hội, sức khỏe và đời sống con người, lao động sản xuất, y, dược học cổ truyền, ẩm thực, trang phục và các tri thức dân gian khác. Nghề thủ công truyền thống gồm các thực hành thủ công với kỹ năng, kỹ thuật, bí quyết nghệ thuật và công cụ, đồ tạo tác, nguyên vật liệu tự nhiên để tạo ra các sản phẩm mang bản sắc văn hóa của cộng đồng chủ thể.
“
Tại Điều 10, Dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) đã đề cập đến khái niệm về “Lễ hội truyền thống, bao gồm các thực hành nghi lễ và sinh hoạt văn hóa dân gian của cộng đồng, được thực hiện theo chu kỳ, tại không gian văn hóa liên quan”. Trong thực tế hiện nay tại nhiều địa phương, trong đó bao gồm cả tỉnh Lạng Sơn, có loại hình Hội truyền thống, trong đó không bao gồm các thực hành nghi lễ mà chỉ bao gồm các sinh hoạt văn hóa, dân gian của cộng đồng, được thực hiện theo chu kỳ, tại không gian văn hóa liên quan. Loại hình này hiện nay đã và đang được thực hiện nhằm đáp ứng nhu cầu tinh thần của nhân dân.
Đề nghị cân nhắc bổ sung thêm một khoản quy định về “Hội truyền thống”, từ đó đảm bảo việc sử dụng tên gọi trong thực tiễn thuận lợi, không bị nhầm lẫn, tranh cãi và có nhiều ý kiến khác nhau về việc sử dụng cụm từ Lễ hội truyền thống hay Hội truyền thống.
Đại biểu Lưu Bá Mạc - Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn.
Trước khi được Ủy ban Văn hóa - Giáo dục trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) tại chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV gần đây, nhiều ý kiến cử tri kiến nghị Bộ VH-TT&DL cần cân nhắc quy định phân loại các loại hình di sản văn hóa phi vật thể vì lễ hội truyền thống phải gắn chặt với tín ngưỡng, không thể bóc tách lễ hội truyền thống ra khỏi tín ngưỡng, độc lập với tín ngưỡng.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Hùng - Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL, cho biết, các loại hình di sản văn hóa phi vật thể quy định tại Dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi), Bộ VH-TT&DL đã nghiên cứu kỹ nội dung Công ước 2003 để bảo đảm tính tương thích giữa Công ước với Luật Di sản văn hóa (sửa đổi), vừa bảo đảm phù hợp với loại hình di sản văn hóa phi vật thể và thực tiễn công tác quản lý di sản văn hóa phi vật thể ở Việt Nam.
“Công ước 2003 đưa ra 5 loại hình di sản văn hóa phi vật thể, Luật Di sản văn hóa hiện hành quy định 7 loại hình, dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) quy định 6 loại hình do tách riêng loại hình “lễ hội truyền thống” trong loại hình tập quán xã hội, tín ngưỡng và lễ hội” của Công ước 2003. Các loại hình di sản văn hóa phi vật thể có tính độc lập tương đối, có tính giao thoa với nhau, như: trong loại hình Nghề thủ công truyền thống có cả Tri thức dân gian, Tập quán xã hội, tín ngưỡng và ngược lại; trong loại hình Nghệ thuật trình diễn dân gian có cả các biểu đạt và truyền khẩu truyền thống và ngược lại...”, ông Nguyễn Văn Hùng phân tích.
Vẫn theo tư lệnh ngành văn hóa, loại hình lễ hội truyền thống là loại hình có tính tổng hợp cao nhất và bao trùm trong tất cả các loại hình của di sản văn hóa phi vật thể, gắn kết tới tất cả các loại hình còn lại. Đặc thù lễ hội ở Việt Nam gồm 4 loại hình lễ hội (lễ hội truyền thống, lễ hội văn hóa, lễ hội ngành nghề, lễ hội có nguồn gốc nước ngoài), trong đó chỉ “lễ hội truyền thống” sẽ có khả năng đáp ứng tiêu chí nhận diện của di sản văn hóa phi vật thể.
“Vì vậy, việc quy định 6 loại hình di sản văn hóa phi vật thể trong Dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi), tách “lễ hội truyền thống” thành loại hình riêng để phù hợp với thực trạng di sản văn hóa phi vật thể, đặc thù lễ hội truyền thống của Việt Nam và để có biện pháp riêng, cụ thể và phù hợp nhằm bảo vệ và phát huy giá trị loại hình di sản văn hóa phi vật thể là lễ hội truyền thống”, Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL Nguyễn Văn Hùng, khẳng định./.