Các ngôi đình xứ Đoài thờ Sơn Tinh hầu hết nhìn hướng Tây, nhìn về núi Ba Vì, nơi Sơn Tinh ngự trị với tư cách là Sơn Thần núi Tản. Nhưng đình Thụy Phiêu lại trông về đầm Đượng là chiến trường xưa kia Sơn Tinh đã đánh bại Thủy Tinh.
Nhân dân quanh vùng đã xây dựng đình Thụy Phiêu để ghi nhớ công ơn Sơn Tinh cứu dân thoát khỏi nạn lụt. Đình trông ra đầm Đượng thể hiện ước mong có sự trấn ngự của Thánh Tản đối với Thủy Tinh, tên hung thần vẫn thường dâng nước lên gây tai họa cho dân vào mùa mưa lũ.
Về sau, dân 5 làng trên bờ đầm Đượng là Thụy Phiêu, Đông Cao thuộc tổng Thụy Phiêu (nay là xã Thụy An, huyện Ba Vì), Lễ Khê, Tam Sơn và Văn Khê thuộc tổng Nhân Lý (nay là xã Xuân Sơn, thị xã Sơn Tây) đã dựng thêm một ngôi đình trên bờ đầm để kỷ niệm chiến công của Sơn Tinh. Đền ấy là đền Hải Hạc, còn gọi là miếu Đượng. Trước cửa miếu Đượng còn chôn xuống đầm một gốc lim già để theo dõi mực nước trên đầm. Năm làng trên cũng là những làng được quyền quản lý và thu hoa lợi trong đầm. Miếu Đượng có thủ từ do dân các làng này cử ra trông coi và giữ lệ đèn hương cúng tế quanh năm.
Đánh cá thờ
Vào mùa đông, khi mực nước trên đầm Đượng đã cạn để lộ gốc lim già chôn trên đầm, người ta tiến hành ngày hội đánh cá đầm Đượng.
Lý dịch thuộc hai tổng Thụy Phiêu và Nhân Lý họp lại, định ngày đánh cá. Ngày đó được thông báo đi khắp các chợ xa gần để mọi người được biết, cùng tham gia ngày hội. Có năm, tới hàng vạn người từ các phủ huyện như Bất Bạt, Quảng Oai, Tùng Thiện, Phúc Thọ, Thạch Thất và thị xã Sơn Tây cùng kéo về dự hội.
Hội đánh cá đầm Đượng chỉ tiến hành trong một ngày (mồng 10 tháng Giêng) nhưng bắt đầu từ bốn năm giờ sáng, lúc trời chưa rạng nên những người ở nơi xa đến tham gia phải tới ngủ trọ từ đêm trước.
Khi gà mới gáy lượt đầu, trời đêm chưa tỏ mặt người thì dân đánh cá từ bốn phía đã nhất loạt ào ạt lội xuống đầm úp nơm, kéo chũm. Lòng đầm mùa cạn chỉ còn 40 mẫu Bắc Bộ. Người lội xuống quá đông đến nỗi mực nước đầm dềnh lên 50 - 60cm.
Mỗi người đánh cá đều phải nộp cho tuần phiên một con cá lớn để làm lễ tế thần. Mỗi làng trong 5 làng quản lý đầm Đượng cử ra 10 người phiên tuần đi thu cá. Tổng số có 50 người phiên tuần nên có khi thu không xuể. Mỗi khi thu được cá, người phiên tuần trao cho người đánh cá một phiếu chứng nhận. Phiếu này là thẻ tre chẻ mỏng như chiếc đóm, trên đó có ghi một chữ Hán. Người đánh cá thường cài chiếc thẻ đó lên khăn buộc trên đầu để phiên tuần dễ nhận ra. Để tránh xảy ra tình trạng làm thẻ giả, chữ Hán viết trên thẻ được giữ bí mật và mỗi năm lại đổi một chữ khác, như năm trước viết chữ “Lục” thì năm sau ghi lại chữ “Thượng”… Nhưng phần lớn người đánh cá đều tự nguyện nộp cá thờ với mong muốn được Thánh Tản phù hộ.
Cá đầm Đượng xưa rất nhiều, nổi tiếng ngon và béo. Thường là các loại cá chép, trôi, trắm và chuối. Đầm Đượng có nhiều cửa nên rất màu mỡ. Cá đầm Đượng không đen mà béo trắng, mang ra chợ bán, ai cũng nhận ra ngay. Cá diếc vốn là loài cá nhỏ, nhưng cá diếc đầm Đượng cũng nặng hàng cân. Đánh trong một ngày, có người được tới vài chục cân cá.
Khoảng tám, chín giờ sáng, khi trên miếu Đượng nổi trống làm lễ tế thần thì dưới đầm tháo khoán, không thu cá nữa. Tuy vậy, cá thu được cũng rất nhiều. Có người tuần phiên thu được hàng tạ cá. Cá thu về đổ ra đầy sân đền. Người ta chọn con cá to nhất thả vào bể nước xây trước đền làm lễ tế cá sống. Đó là lễ “hiến sinh” rất độc đáo, không thấy ở các hội đánh cá khác thờ Thánh Tản thuộc vùng xứ Đoài xưa. Ngoài ra, còn làm các món cá rán, cá kho để tế thần ở miếu Đượng.
Thường đến trưa hôm đánh cá, bùn trong đầm sục lên đến mức rất đặc, không còn nổi nước lên để kéo vó được nữa. Lúc ấy chỉ dùng nơm đánh cá là chủ yếu. Thậm chí có người không có nơm, có chũm, chỉ tay không bắt được cá sặc nổi lên cũng được rất nhiều.
Ở xứ Đoài ngày trước, nhiều nơi có tục lệ đánh cá thờ Sơn Tinh như cá vùng Đường Lâm, Trung Hưng, Tích Giang, Liệp Tuyết và các làng khác thuộc huyện Tùng Thiện, Thạch Thất, Quốc Oai, nơi có dòng sông Tích chảy qua, nhưng không thấy nơi nào có hội đánh cá thờ Thánh Tản đông vui và lớn bằng hội đánh cá thờ ở đầm Đượng.
Ai cũng tin rằng, tham gia ngày hội đánh cá ở đầm Đượng sẽ được Thánh Tản ban lộc. Mặc dù có năm trời rất rét, thiên hạ vẫn nô nức chen nhau về dự hội đánh cá. Mà bất kể ai đến đánh cá ở đây cũng được không nhiều thì ít, chẳng có ai phải về tay không. Cuối ngày đánh cá, người trở về tay xách vài đùm, tiếng nói cười vang đi khắp ngả. Dân 5 làng tổ chức ngày hội đánh cá cũng được hưởng lộc. Cá thu về được chia cho dân làng cùng ăn, có nhà nhận tới hàng yến.
Cỗ dâng thánh vào hội tháng Hai
Sau hội đánh cá và tiệc miếu Đượng, mới bắt đầu chuẩn bị lễ hội chính của đình Thụy Phiêu. Hội đình Thụy Phiêu tiến hành trong ba ngày mồng 1, mồng 2 và mồng 3 tháng Hai âm lịch: ngày mồng 1 khai đám, ngày mồng 2 chính tiệc và ngày mồng 3 tế tạ.
Trong các lễ vật dâng tế thánh, đầu tiên thường soạn cỗ chay. Cỗ chay gồm xôi khuôn, chè kho, các loại bánh trôi, bánh chay và các loại oản quả. Cỗ chay do chủ tế và thủ từ sửa lễ. Dân khiêng hương án vào tận nhà các vị này nhận lễ, rước ra đình. Sau khi tế xong, cỗ chay dùng cho phường bát âm, phường chèo đến biểu diễn và các quan anh, “nước nghĩa” (chức dịch các làng kết nghĩa với Thụy Phiêu đến dự hội) ăn ban đêm.
Sau cỗ chay mới tế cỗ mặn. Để chuẩn bị cho cỗ mặn, làng cho mỗi năm 4 gia đình đăng cai nuôi lợn thờ. Đó là những gia đình không có “bụi bặm” và phải hoàn toàn tự nguyện làm nghĩa vụ làng giao cho. Nói chung gia đình nào được đăng cai nuôi lợn thờ đều lấy làm vinh dự, và rất phấn khởi vì tin rằng nhà mình sẽ được hưởng lộc thánh, làm ăn tấn tới. Lợn thờ được chăm sóc chu đáo nuôi ăn tốt, thường xuyên tắm rửa sạch sẽ. Vì ngày xưa giống lợn ta nhỏ bé nên làng chỉ khoán lợn thờ nặng 60kg là được. Nhà ai nuôi vượt khoán thì làng thưởng với số tiền bằng giá trị số thịt lợn dư trên 60kg./.