Không nhận diện được thuê bao, vui lòng đăng nhập hoặc truy cập bằng 3G của Vinaphone
Đền Thánh Mẫu Liễu Hạnh được công nhận là điểm du lịch

 Đền Thánh mẫu Liễu Hạnh toạ lạc dưới chân Đèo Ngang vừa là điểm du lịch vừa là di tích lịch sử cấp tỉnh. Đây cơ hội lớn để huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình đẩy mạnh việc bảo tồn, phát huy các giá trị của khu di tích, cả về góc độ phát triển văn hoá, xã hội và phát triển du lịch, kinh tế.

i.ex-cdn.com-chatluongvacuocsong.vn-files-content-2024-02-01-_den-mau-lieu-hanh-4_1634804288-1022.jpg
Đền Thánh Mẫu Liễu Hạnh toạ lạc dưới chân Đèo Ngang được công nhận là điểm du lịch (ảnh: NQS)

Theo tài liệu để lại, đây là ngôi đền được xây dựng vào năm 1557 (thời Hậu Lê), thờ Thánh mẫu Liễu Hạnh, một trong “Tứ bất tử” của tín ngưỡng dân gian Việt Nam. Đền còn được biết đến với các tên gọi khác như Đền Liễu Hạnh Công chúa hay Đền Mẫu Liễu Hạnh nằm dưới chân đèo Ngang.

Ngôi đền này có bề dày giá trị lịch sử, văn hóa lâu đời, gắn liền với nhiều câu chuyện huyền bí, ly kỳ về sự tích Công chúa Liễu Hạnh, một nhân vật quan trọng trong lịch sử phát triển tín ngưỡng dân gian Việt Nam. Năm 2000, Đền Thánh mẫu Liễu Hạnh được công nhận là di tích lịch sử, văn hóa cấp tỉnh.

Theo truyền thuyết, Công chúa Liễu Hạnh là con gái thứ hai của Ngọc Hoàng có tên là Quỳnh Hoa, là người mẹ cai quản vùng trời, vị thánh mẫu đứng đầu hệ thống Tam Phủ, Tứ Phủ thờ đạo Mẫu của người Việt.

Đền Thánh mẫu Liễu Hạnh tọa lạc dưới chân đèo Ngang, trên một khu đất bằng phẳng. Phía sau đền là dãy Hoành Sơn hùng vĩ-địa danh nổi tiếng đã đi vào thi ca và tâm tưởng của người dân nước Việt. Mặt đền hướng biển Đông cùng với cách thức bố trí phân chia cung bậc từ đền Tiền và đền Hậu, tạo nên nét uy linh, tôn nghiêm.

Đền Thánh Mẫu Liễu Hạnh không chỉ linh thiêng, cổ kính mà còn là nơi phong cảnh sơn thuỷ hữu tình, thu hút nhiều người đến viếng thăm, dâng hương, nhất là trong dịp đầu năm mới.

Cùng với di tích đền Thánh mẫu Liễu Hạnh, khu vực này còn có di tích Hoành Sơn quan nằm trên đỉnh đèo Ngang, thuộc loại hình di tích lịch sử kiến trúc thành lũy. Hoành Sơn quan như một chứng tích hùng hồn về những thăng trầm lịch sử và trở thành địa danh có ý nghĩa rất lớn trong lịch sử và danh thắng nước Việt. Cửa ải Hoành Sơn xưa là điểm quan trọng trấn giữ con đường thiên lý Bắc - Nam, có cửa cao hơn 4m, khởi công từ triều Minh Mạng thứ 14 và hiện được bảo tồn nguyên vẹn.

g2qoxl0b.png
Đền thờ Thánh mẫu Liễu Hạnh

Đặc biệt mới đây, trong quá trình bảo tồn và chỉnh trang khu di tích Đền Thánh mẫu Liễu Hạnh, chính quyền địa phương đã phát hiện con đường bậc đá cổ nối từ đền lên Hoành Sơn quan với hơn 1.000 bậc còn nguyên vẹn. Theo các tài liệu lịch sử, đây từng là dấu tích của con đường thiên lý Bắc-Nam, một tuyến đường quan trọng cho việc đi lại trong quá khứ.

Theo sử sách ghi lại thì đây chính là dấu tích con đường "Thiên lý Bắc Nam" với nền móng xuôi về hai mái Hoành Sơn là con đường "độc đạo" phục vụ việc đi lại của người dân. Hiện nay, những bậc đá này đã được phát lộ và trong thời gian tới sẽ được cơ quan chức năng khôi phục lại nhằm phục vụ du khách khi đến tham quan Đền Thánh Mẫu Liễu Hạnh có thể trải nghiệm khung cảnh ở Hoành Sơn Quan khi bước đi trên những bậc đá ở cung đường độc đạo trên chính con đường "Thiên lý Bắc Nam" trước kia.

Với ý nghĩa lịch sử, văn hóa và giá trị về du lịch, ngày 24.4.2024, UBND tỉnh Quảng Bình đã ban hành Quyết định công nhận điểm du lịch Đền Thánh mẫu Liễu Hạnh.

Lãnh đạo UBND huyện Quảng Trạch cho biết, lễ đón nhận Quyết định công nhận Điểm du lịch đền Thánh Mẫu Liễu Hạnh nhằm phát triển du lịch bền vững gắn với bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, bảo vệ môi trường sinh thái, bảo đảm an ninh trật tự và an toàn xã hội. Đồng thời, xây dựng du lịch thân thiện, hiện đại gắn với xây dựng văn hóa. Đẩy mạnh, nâng cao chất lượng công tác xã hội hóa du lịch và sự tham gia của cộng đồng dân cư, huy động mọi nguồn lực cho đầu tư phát triển du lịch./.