Tháng 6/2024 ngành du lịch Thủ đô đã đón được 2,49 triệu lượt khách, tăng 12,5% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó khách du lịch quốc tế đạt 496.000 lượt khách, tăng 55,9% so với cùng kỳ năm trước, khách du lịch nội địa đạt 2 triệu lượt khách, tăng 5,3% so với cùng kỳ năm trước. Lượng khách tăng cao nên tổng thu từ khách du lịch đạt 9.530 tỷ đồng, tăng 21,6% so với cùng kỳ năm 2023.
Sở Du lịch Hà Nội cho biết, trong tháng 6, khách du lịch nội địa ước đạt 2 triệu lượt khách, tăng 5,3% so với cùng kỳ năm trước. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 9.530 tỷ đồng, tăng 21,6% so với cùng kỳ năm 2023.
Tính chung trong 6 tháng đầu năm 2024, tổng khách du lịch đến Hà Nội ước đạt hơn 14 triệu lượt khách, tăng 13,7% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, khách du lịch quốc tế ước đạt 3,14 triệu lượt khách, tăng 52,6% so với cùng kỳ năm 2023 (bao gồm 2,21 triệu lượt khách du lịch quốc tế có lưu trú). Khách du lịch nội địa ước đạt 10,91 triệu lượt khách, tăng 6,0% so với cùng kỳ năm 2023. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 55.385 tỷ đồng, tăng 22,8% so với cùng kỳ năm 2023.
Trong tháng 6-2024, công suất sử dụng phòng trung bình khối khách sạn ước đạt 66%, tăng 1,3% so với tháng 5-2024 và tăng 0,1% so với cùng kỳ năm 2023.
Để thu hút du khách quốc tế, ngành du lịch Thủ đô đã đẩy mạnh hoạt động quảng bá các điểm đến du lịch trên địa bàn thành phố bằng 5 ngôn ngữ Anh, Pháp, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc. Đồng thời triển khai đa dạng các hình thức truyền thông và các nền tảng số, trang Website, nền tảng mạng xã hội Youtube, Facebook, Tiktok…
Nhiều điểm đến du lịch đã xây dựng hệ thống vé điện tử phục vụ khách tham quan như Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hoàng thành Thăng Long, di tích Nhà tù Hỏa Lò, Bảo tàng mỹ thuật Việt Nam, đền Quán Thánh… Bên cạnh đó sở cũng tổ chức các đoàn khảo sát điểm đến du lịch tại quận Ba Đình (đền Voi Phục, đền quán Thánh, phố Đảo Ngọc - Ngũ Xã) và điểm đến du lịch tại xã Nam Sơn, huyện Sóc Sơn và mô hình du lịch nông nghiệp, nông thôn tại huyện Sóc Sơn, Phúc Thọ và Quốc Oai.
Thời gian tới, Sở Du lịch Hà Nội sẽ tiếp tục đẩy mạnh phát triển sản phẩm du lịch đường sông kết nối các điểm đến du lịch dọc khu vực sông Hồng, sông Đuống. Đồng thời hoàn thiện tuyến du lịch Chương Dương Độ - Bát Tràng - Đền thờ Chử Đồng Tử, tiến tới mở rộng tuyến du lịch từ bến Chương Dương Độ đi khu vực Sơn Tây, Ba Vì.
Phối hợp với các quận, huyện nghiên cứu, đề xuất triển khai các mô hình 4 du lịch văn hóa, làng nghề mới như nghiên cứu, phát triển làng du lịch tại huyện Sóc Sơn, trung tâm thiết kế sáng tạo làng nghề kết hợp với hoạt động du lịch tại huyện Phú Xuyên…
Đẩy mạnh hợp tác với các tỉnh thành phố phát triển tuyến, sản phẩm du lịch liên kết theo từng nhóm sản phẩm thế mạnh, có tính bổ trợ lẫn nhau. Cụ thể như tuyến du lịch văn hóa tâm linh Hà Nội - Hà Nam - Ninh Bình, tuyến du lịch khám phá, trải nghiệm Hà Nội - Sơn La, Hà Nội - Lào Cai - Lai Châu./.